Theo hãng thông tấn Xinhua, ông Zheng Jianxin, thị trưởng đương nhiệm của thành phố Trường Sa, đã bị sa thải. Một số quan chức bị chuyển giao cho các cơ quan tư pháp vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng và bị tình nghi phạm tội liên quan đến nhiệm vụ của họ.
Một số cựu quan chức Trường Sa, trong đó có ông Hu Henghua, cựu thị trưởng thành phố, hiện là thị trưởng Trùng Khánh, bị cảnh cáo.

Lực lượng cứu hộ đưa người sống sót khỏi hiện trường vụ sập tòa nhà ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, hồi năm ngoái. Ảnh: AFP.
Tòa nhà 6 tầng, bao gồm rạp chiếu phim, nhà nghỉ, quán cà phê, cửa hàng và khu căn hộ, bất ngờ bị sập hồi cuối tháng 4/2022, khiến 54 người thiệt mạng, trong đó có 44 sinh viên đại học. Giới chức ước tính thiệt hại kinh tế trực tiếp từ thảm kịch rơi vào khoảng 13,1 triệu USD.
Truyền thông Trung Quốc xác định tòa nhà bị sập là "cấu trúc dân cư tự xây", nghĩa là do cá nhân hoặc doanh nghiệp xây dựng và không có kinh phí của nhà nước. 11 người, trong đó có chủ tòa nhà, đã bị bắt vì cáo buộc bỏ qua quy định xây dựng hoặc các vi phạm khác. Giới chức cũng cho rằng những người chịu trách nhiệm thẩm định mức độ an toàn của tòa nhà đã làm giả hồ sơ.
Trung Quốc đã công bố một báo cáo điều tra về vụ sập nhà, cho biết nguyên nhân là do xây dựng bất hợp pháp và không đúng quy chuẩn, trong khi các quan chức địa phương không thể ngăn chặn được các hoạt động như vậy, tạo ra rủi ro lớn cho xã hội.
Các vụ sập tòa nhà không phải hiếm ở Trung Quốc, do tiêu chuẩn an toàn kém và nạn tham nhũng ở các công trình. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi cơ sở hạ tầng đang xuống cấp.
Tháng một năm ngoái, vụ nổ nghi do rò rỉ khí gas đã làm sập một tòa nhà ở thành phố Trùng Khánh, khiến hơn 10 người thiệt mạng. Tháng 6/2021, nổ khí gas cũng làm sập một tòa dân cư ở thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, khiến 25 người chết.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)