Thậm chí khi ai đó yêu cầu "Hãy gọi cho tôi" những người này phải lập sẵn một kịch bản để nói chuyện cho trôi chảy. Theo các nhà tâm lý học, đây là triệu chứng điển hình của Telephobia (chứng sợ gọi và nghe điện thoại) đang trở nên phổ biến trên khắp thế giới.
Gần đây, ca sĩ IU của Hàn Quốc thừa nhận bản thân đang gặp phải vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Cô nói rằng bản thân chỉ có thể nói chuyện với người bạn thân nhất không quá ba phút. Những cuộc gọi từ mẹ cũng khiến cô thấy lo lắng.
2023 là năm kỷ niệm 50 năm cuộc gọi điện thoại di động đầu tiên được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu của hãng Motorola ở New York (Mỹ). Từ đó, công nghệ di động đã đạt những tiến bộ vượt bậc. Nhưng vì nhiều lý do, chúng đã và đang làm trầm trọng thêm sự lo lắng của nhiều người.

Một học viên mô phỏng cuộc trò chuyện qua điện thoại với một người hướng dẫn trong một lớp học giao tiếp ở Seoul, hôm 9/5. Ảnh: Chosun
Khi nỗi sợ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống, một số người Hàn Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà trị liệu tâm lý. Như tại một trung tâm ở Seoul (Hàn Quốc) vào đầu tháng này, những người ở độ tuổi 20-30 đang làm công việc tư vấn viên, nhân viên tiếp thị và giáo viên đang thực hành nói chuyện qua điện thoại với sự giúp đỡ của người hướng dẫn.
Mỗi buổi học khoảng 90 phút, kéo dài trong 8 buổi có giá 600.000-700.000 won (10,5-12,4 triệu đồng). Các học viên khá đa dạng bao gồm người đứng đầu doanh nghiệp tầm trung, chính trị gia, chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp và người tìm việc.
Sau khi được viết kịch bản nói chuyện phù hợp với nghề nghiệp, họ sẽ được hướng dẫn thực hành các cuộc gọi điện thoại mô phỏng. Các giáo viên đứng lớp cũng đưa ra các mẹo để chống lại sự lo lắng khi có cuộc gọi.
Kang Min Jung, người đứng đầu trung tâm, nói rằng thay vì dạy các kỹ năng trò chuyện điện thoại đơn giản, đơn vị sẽ giúp các học viên xây dựng mối quan hệ để có thể nắm bắt tâm lý của người ở đầu dây bên kia.
Sự gia tăng của việc lạm dụng tin nhắn cũng có thể là thủ phạm khiến nhiều người không còn nhu cầu nói chuyện với người khác. Các cuộc thảo luận trên Internet chứa đầy những bình luận cho thấy rất nhiều người gặp khó khi nói chuyện điện thoại.
Những lời than phiền phổ biến là khó nhớ những gì đã nói trong cuộc điện thoại, không biết diễn tả cảm xúc qua lời hoặc đơn giản là bí từ.
Đáng chú ý, nỗi ám ảnh đó được khuếch đại khi điện thoại đổ chuông. Người nghe sẽ bối rối khi thấy ai đó gọi và lo lắng về những gì đầu dây bên kia có thể nói. Và hầu hết trong mọi trường hợp, nhóm người này thường chọn từ chối trả lời cuộc gọi từ người lạ.
Không chỉ tại Hàn Quốc, xu hướng chuộng nhắn tin hơn gọi điện thoại ngày càng trở nên phổ biến trong người trẻ. Cuộc khảo sát Ủy ban thị trường mở Liên bang (Mỹ) gần đây chỉ ra 75% người trong độ tuổi từ 26 đến 41 cho biết họ mất khả năng nói chuyện điện thoại. Các nguyên nhân khiến nhắn tin được ưa chuộng gồm: 76% nói thuận tiện hơn, phù hợp với lịch trình riêng; 63% cho rằng ít gây rối hơn so với cuộc gọi thoại; 53% là thói quen; và 19% không bao giờ kiểm tra thư thoại.
Thống kê của trang thông tin Bank my cell (Mỹ) cũng cho thấy 74% người trẻ chọn nhắn tin là phương thức được sử dụng nhiều nhất; 75% tránh né các cuộc gọi điện thoại vì chúng tốn thời gian và có đến 81% nói sợ hãi nếu phải thực hiện một cuộc gọi.

Nhiều người trẻ lựa chọn nhắn tin thay vì nghe điện thoại vì sợ giao tiếp. Ảnh minh họa: Chosun
Oh Dae Jong, làm việc tại Bệnh viện Kangbuk Samsung (Hàn Quốc), nói rằng hội chứng Telephobia có thể được giải quyết nếu mọi người thường xuyên nói chuyện với gia đình, bạn bè - những người không khiến bạn khó xử khi mắc lỗi.
Nếu thấy khó khăn, bạn có thể bắt đầu gọi điện thoại người khác với một kịch bản đã soạn sẵn. Khi thoải mái hơn, hãy cố gắng nói chuyện mà không cần viết ra mọi thứ.
"Một trong những điều khó khăn nhất khi gọi điện thoại là suy nghĩ "buộc phải trả lời ngay lập tức". Nhưng nếu cảm thấy khó đưa ra phản hồi ngay, bạn chỉ cần đáp 'tôi sẽ phải suy nghĩ thêm về điều này'", người đứng đầu trung tâm dạy cách nói chuyện, đưa ra lời khuyên.
Minh Phương (Theo Chosun)