Khi bị mất nước, trái tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể dẫn đến nhịp tim nhanh hơn bình thường. Ngoài ra, máu có thể đặc hơn khi bạn bị mất nước hoặc thiếu nước, điều này khiến tim cũng phải tăng cường hoạt động. Trong một số trường hợp, mất nước cũng có thể khiến chất điện giải bị mất cân bằng, dẫn đến hiện tượng đánh trống ngực (hiện tượng tim đập nhanh bất thường).
Tim đập nhanh thường không phải là một trường hợp cấp cứu nhưng nếu một người cảm thấy khó thở, đau, tức ngực hoặc ngất xỉu kèm theo thì cần đến bệnh viện. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Tim đập nhanh khi bị mất nước và không có triệu chứng khác thường nào thì không cần điều trị chuyên biệt. Một vài cách đơn giản có thể thực hiện để ổn định lại nhịp tim bao gồm:
Các bài tập thở và cơ bắp: Đặt một tay lên bụng, hít vào chậm và sâu bằng mũi, thở ra bằng mũi hoặc miệng. Khép miệng và hít thở chậm rãi trong lúc cố gắng thở ra bằng mũi. Ngoài ra, bạn có thể vỗ nước lạnh lên mặt.
Phục hồi sau mất nước: Điều đầu tiên cần làm khi bị mất nước là hãy cố gắng bù nước cho cơ thể. Tránh uống từng ngụm lớn mà hãy uống từng ngụm nhỏ. Bên cạnh đó, dung nạp một số thực phẩm có hàm lượng nước cao như quả mọng, dưa, súp hoặc kem cũng giúp bù nước.

Mất nước khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể dẫn đến nhịp tim nhanh hơn bình thường. Ảnh: Freepik
Mất nước cũng có thể cần điều trị tại bệnh viện nếu đi kèm những triệu chứng sau: giảm đi tiểu, đau cơ suy nhược, ngất xỉu, lú lẫn, chóng mặt, yếu ớt, tiêu chảy hoặc nôn mửa quá mức... Các trường hợp mất nước nghiêm trọng có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Biện pháp hiệu quả để tránh tình trạng tim đập nhanh liên quan đến mất nước là nên uống đủ nước mỗi ngày. Theo khuyến nghị, mỗi người nên uống 8 ly nước mỗi ngày hoặc lượng vừa đủ (quan sát nước tiểu có màu nhạt).
Lượng nước cần thiết ở mỗi người có thể phụ thuộc vào khu vực sinh sống, các mùa trong năm, tình trạng sức khỏe tổng thể và lối sống. Những người bị tiêu chảy, nôn mửa, sốt, say nắng, đổ quá nhiều mồ hôi, uống nhiều rượu, bệnh tiểu đường... có thể cần bổ sung nước.
Bên cạnh tình trạng mất nước, một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến tim đập nhanh bao gồm rượu, thuốc lá và lượng đường trong máu thấp. Vì vậy, duy trì lối sống lành mạnh để giúp trái tim khỏe hơn mỗi ngày.
Bảo Bảo (Theo Healthline)