
Hạn hán ở Colombia năm 2014. Ảnh: AFP
Thái Bình Dương đang dần thoát khỏi hiện tượng La Niña khi một dải nước lạnh dài hình thành ngoài khơi Nam Mỹ và tiến gần tới hiện tượng trái ngược là El Niño, trong đó dải nước ấm xuất hiện và thay thế. Các nhà khoa học dự đoán El Niño sẽ xảy ra trong vài tháng tới và có 55% khả năng đây sẽ là đợt El Niño đặc biệt mạnh. Sự thay đổi này có thể góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn 1,5 độ C, ngưỡng ấm lên theo Hiệp định Paris, ảnh hưởng tới thời tiết trên khắp thế giới, đe dọa gây ra hạn hán nghiêm trọng ở một số nơi và mưa lớn ở nhiều nơi khác, theo Wired.
Trong nghiên cứu công bố hôm 18/5 trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu dự đoán thiệt hại kinh tế có thể lên tới 3 nghìn tỷ USD trong vài năm tới và những nước nhiệt đới thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Họ xác định các đợt El Niños vào năm 1982-1983 và 1997-1998 khiến thế giới mất lần lượt 4,1 và 5,7 nghìn tỷ USD, kéo dài trong hơn 5 năm sau khi sự kiện khí hậu kết thúc. Vào cuối thế kỷ này, tổng thiệt hại do El Niños gây ra có thể lên tới 84 nghìn tỷ USD, theo Christopher Callahan, nhà khoa học hệ thống Trái Đất ở Đại học Dartmouth, đồng tác giả nghiên cứu. Bài báo cho thấy biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng sẽ gây ra tổn thất cực lớn, nhất là với những nền kinh tế đang phát triển.
Do El Niño làm ấm nước biển ở Thái Bình Dương, các nước nhiệt đới sẽ chịu phản ứng dây chuyền. Peru có xu hướng chịu mưa lớn trong suốt sự kiện El Niño, phá hủy cơ sở hạ tầng và làm ngập mùa màng. Thông thường, nước trồi (dòng nước lạnh, nhiều dinh dưỡng và đặc quánh di chuyển từ phía sâu lên vùng nước nông) ngoài khơi Peru mang đến dưỡng chất giúp chăn nuôi cá, nhưng nó bắt đầu di chuyển chậm trong thời kỳ El Niño. Ngoài ra, nắng nóng ở biển cũng khiến cá chết, làm mất đi nguồn thu nhập. "Người dân mất nguồn đánh bắt cá ở ngoài khơi Peru, cơ sở hạ tầng ngập lụt và phải chịu nắng nóng cực hạn. Tất cả gánh nặng chồng chất lên nhau", Callahan nói.
Nhưng xa hơn về phía đông, El Niño có thể gây ra hiệu ứng trái ngược, thúc đẩy hạn hán nghiêm trọng ở rừng mưa Amazon vốn bị tàn phá bởi sự phát triển của con người và nạn đốt rừng làm rẫy. Hạn hán có thể đẩy nhiều khu vực ở Amazon tới gần điểm tới hạn hơn, biến đổi từ rừng mưa thành đồng cỏ, một thảm họa sinh thái không thể phục hồi. Cây cối biến mất sẽ đe dọa các loài động vật và làm giảm khả năng hấp thụ carbon của rừng Amazon.
Đầu bên kia Thái Bình Dương cũng có thể đương đầu với hạn hán. "Nếu thời tiết khô hạn ở Indonesia và Australia, hạn hán có thể tạo ra tác động lớn tới kinh tế. Năm 1998, El Niño châm ngòi cho những vụ cháy rừng khổng lồ trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt ở Indonesia. Hạn hán ở đó kết hợp với nhiệt độ ấm lên, dẫn tới điều kiện thúc đẩy cháy rừng". Do Indonesia có nhiều mỏ giàu carbon rất khó dập tắt sau khi bốc cháy, cháy rừng tại đó có thể làm tăng đáng kể khí thải carbon và đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Trong khi ảnh hưởng của El Niño tập trung nhiều hơn ở vùng nhiệt đới, các khu vực khác cũng sẽ cảm nhận được tác động. Vùng tây nam nước Mỹ có xu hướng trải qua nhiều mưa hơn trong khi miền bắc nước này ấm lên. El Niño thường làm giảm hoạt động bão ở Đại Tây Dương. Những nước nhiệt đới dễ chịu thiệt hại kinh tế cả do vị trí gần với El Niño và có tổng sản phẩm quốc nội thấp hơn châu Âu. Ngành nông nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi về lượng mưa chiếm phần lớn hơn trong GDP của các quốc gia thu thập thấp, do đó họ ít nhiều bị thiệt hại nếu thời tiết thay đổi. Nông dân có nguy cơ mất kế sinh nhai và không thể nuôi sống gia đình.
Tính toán trước đây về thiệt hại kinh tế do El Niño nhiều khả năng chưa đầy đủ do chỉ cân nhắc thiệt hại trong những năm hiện tượng này diễn ra, theo Callahan. Nhưng nghiên cứu mới phát hiện các ảnh hưởng có thể kéo dài tới một thập kỷ sau khi dải nước ấm tan biến. Ngân sách chính phủ cần phục vụ xây dựng lại cơ sở hạ tầng.
Giới khoa học chưa thể xác định chính xác khi nào El Niño sẽ diễn ra và mức độ nghiêm trọng của nó. Không có cách nào để biết rõ lượng mưa có thể thay đổi ra sao ở một nước trong năm tới. Các nhà nghiên cứu cũng không thể dự đoán chắc chắn hạn hán do El Niño tác động như thế nào tới sản lượng lúa ở châu Á. Nhưng El Niño là một phép kiểm tra đối với hành tinh đang ấm lên, khi biến đổi khí hậu khiến nắng nóng, cháy rừng, hạn hán và mưa lớn trở nên dữ dội hơn. Đó cũng là cơ hội để chính phủ các nước bắt tay vào chuẩn bị cho thời tiết cực đoan.
Tại COP26, một báo cáo về "Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng" được thực hiện bởi hơn 60 nhà nghiên cứu đến từ hai quốc gia Việt Nam và Pháp trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu mới nhất từ chương trình Nghiên cứu khí hậu thế giới để thiết lập mô hình khí hậu Việt Nam theo một số kịch bản chính sách khí hậu. Các tính toán cho thấy, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 21 sẽ tăng 1,5 - 4,2°C, lượng mưa trung bình năm tăng 10 - 40% và lượng mưa cực trị tăng 20 - 40% so với thời kỳ cơ sở (1980 - 1999 hoặc 1986 - 2005 tùy thuộc vào các kịch bản khí nhà kính được sử dụng).
Nói với VnExpress, PGS.TS Ngô Đức Thành, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thành viên nghiên cứu báo cáo, cho rằng khi nhiệt độ trung bình tăng nhanh, hiện tượng thời tiết nắng nóng cực đoan sẽ xuất hiện.
"Nếu trước đây 35 độ C được coi là một mức nhiệt độ cao, thì trong tương lai, nó sẽ trở thành mức bình thường với sự xuất hiện của các mức nhiệt mới cao hơn là 40 hoặc 45 độ C", ông Thành nói. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đối với cuộc sống và môi trường sống của con người nếu không tìm cách thích ứng đủ nhanh với những thay đổi của khí hậu. Mức nhiệt tăng cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, phá huỷ nhiều thành phố và làng mạc, khiến nhiều khu vực đứng trước nguy cơ phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên ngày một tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng.
An Khang